Người Hà Nhì - Vài nét văn hóa và lễ hội tiêu biểu
Việt Nam là quốc gia đa tộc người, thống nhất, đoàn kết, gắn bó nhau trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Mỗi tộc người đều có những sinh hoạt văn hóa riêng của mình, thể hiện ở cả văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Sự khác biệt giữa các nền văn hóa phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội, lịch sử của mỗi tộc người. Tuy nhiên, xét về tổng thể văn hóa của các tộc người có tính đa dạng trong thống nhất. Nghiên cứu văn hóa của các tộc người nói chung, văn hóa của tộc người Hà Nhì nói riêng có ý nghĩa thiết thực đối với Bộ đội Biên phòng trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia.
Dân tộc Hà Nhì còn có tên gọi khác là U Ní và Xá U Ní, với ba nhóm: Hà Nhì Cồ Chồ, Hà Nhì La Mí, Hà Nhì đen. Ngôn ngữ Hà Nhì thuộc ngôn ngữ Tạng - Miến, cư trú ở các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai và dọc biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào. Người Hà Nhì giỏi trồng trọt và chăn nuôi. Họ có kinh nghiệm khai khẩn đất đai, đào mương đắp đập, sử dụng sức kéo của trâu bò và có nghề thủ công phát triển, nổi bật là đan lát, dệt vải và nhuộm màu. Mặc dù giao lưu kinh tế ngày càng thuận lợi, nhưng phần lớn đồng bào tự túc vải mặc, bởi phụ nữ Hà Nhì chăm chỉ và giỏi việc canh cửi tằm tơ, họ tự đảm nhận mọi công đoạn cho đến lúc làm ra sản phẩm.
Người Hà Nhì hiện nay đã định cư theo từng bản, có nhiều dòng họ, mỗi họ có nhiều chi. Vào dịp tết hàng năm, cả dòng họ tụ tập lại nghe người già kê tộc phả của mình, có dòng họ nhớ được xa tới 40 đời. Tên của người Hà Nhì thường đặt theo tập tục là lấy tên người cha, hoặc tên con vật ứng với ngày sinh của người đó làm tên đệm. Qua việc nghiên cứu nhà ở của dân tộc này chúng ta sẽ thấy nhà ở có tính thống nhất với những đặc trưng rõ rệt thể hiện trên những địa bàn khác nhau. Nhà ở cổ truyền là nhà đất, với bộ khung đơn giản, vì kèo cơ bản là vì kèo ba cột. Nhà có hiên rộng trước nhà, thường làm thêm cột hiên nên trở thành vì bốn cột. Tường trình rất dày, không có cửa sổ, thường chỉ có một cửa ra vào mở ở mặt trước nhà và lệch về một bên. Mặt bằng sinh hoạt thường là nhà ba gian, hiếm nhà bốn gian. Trong nhà chia theo chiều dọc thành hai nửa, nửa phía trước để trống, một góc nhà có giường dành cho khách, có bếp phụ; nửa phía sau là các phòng nhỏ nơi nghỉ ngơi của các thành viên trong gia đình. Cũng có trường hợp hiên được che kín như một hành lang hẹp thì cửa mở ở chính giữa.
Để phân biệt người Hà Nhì với các dân tộc khác, chúng ta có thể quan sát trang phục của người phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ chưa chồng. Với mũ, khăn được trang trí bởi nhiều cúc bạc, nhiều hạt cườm với những tua rua bằng các loại chỉ màu sặc sỡ, thiếu nữ Hà Nhì gợi cho ta nhớ tới hình ảnh của những nhân vật nữ đài các, quyền uy trong các truyền thuyết. Áo với hai loại: áo ngắn và áo dài. Áo dài 5 thân, cài cúc bên nách phải, cổ áo nẹp ngực được trang trí bởi những miếng vải khác màu, điểm một hàng đường thêu, ống tay áo hẹp, cấu tạo bằng cách chắp nối những khoang vải khác nhau, xẻ từ sườn xuống chân, không chiết co như áo tân thời của phụ nữ người Kinh. Váy áo thường được may bằng vải bông nhuộm màu chàm hay màu đen. Vào dịp lễ tết, hội hè, phụ nữ mặc thêm áo ngắn kiểu gi-lê ở bên ngoài. Trên ngực áo, phía phải gắn những đồng xu, khuy bạc hình bán cầu với nhiều dải hạt cườm. Khăn, ngực áo và hai ống tay áo, là nơi để chị em phô diễn kỹ nghệ thêu, móc và trình độ thẩm mỹ của mình thông qua cách bố trí các khoanh vải có màu sắc tương phản nhau cùng với những đường nét hoa văn bổ trợ cho nhau.
Hôn nhân của người Hà Nhì ít chịu sự ràng buộc bởi những lễ giáo phong kiến. Nam nữ được quyền tự do lựa chọn bạn đời và tự quyết định hôn nhân của mình. Theo luật tục thì người cùng họ, khác chi vẫn có thể lấy nhau nhưng phải trải qua nhiều đời. Tục ở rể vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, nhưng không phổ biến. Trước đây, thời gian ở rể dài hay ngắn tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa hai họ, trên cơ sở những khó khăn và thuận lợi của nhà gái, nhưng thường là 3 - 4 năm, nhiều nhất là 10 - 12 năm với quy định ở rể không mất tiền cưới, không ở rể thì trả khoản tiền cưới nhất định (thường khoảng 100 - 150 đồng bạc trắng). Cưới xin của người Hà Nhì có hai hình thức: Bố mẹ đi hỏi và không qua lễ hỏi. Cưới do bố mẹ đi hỏi, hôn nhân bắt buộc phải trải qua hai lần cưới. Lần cưới thứ nhất, người con trai rủ vài người bạn đến nhà người yêu hay một nơi nào đó đã hẹn trước. Khi gặp nhau, người con gái trả lại người con trai một đồng bạc trắng mà người mối đã đưa sang hôm dạm hỏi, sau đó đưa nhau về nhà trai chào bố mẹ và cúng tổ tiên. Đúng ngày này, cả nhà trai và nhà gái đều làm cỗ mời bà con, hàng xóm đến mừng hạnh phúc của hai con. Từ ngày đó, cô dâu đổi họ theo bên nhà chồng và về ở nhà chồng. Sáng sớm hôm sau, nhà trai sang nhà gái với lễ vật gồm chai rượu, cơm nếp và một quả trứng để hỏi về thách cưới trong lễ cưới lần thứ hai. Lần cưới thứ hai, được tổ chức vào thời điểm thích hợp nhất, khi điều kiện kinh tế cho phép, vì vậy có trường hợp kéo dài vài chục năm mới tổ chức được cưới lần hai, thậm chí còn có trường hợp lúc chết, trước khi con cháu làm ma mới tổ chức lễ cưới lần hai tượng trưng với lễ vật đơn giản. Cưới không qua lễ hỏi thì trai gái yêu nhau tự định ngày cưới. Người con trai nói trước với bố mẹ mình điều đó, còn người con gái có thể không nói cho bố mẹ mình biết vì lễ cưới này cũng thường xảy ra khi bố mẹ cô gái không đồng ý cuộc hôn nhân. Lễ cưới được tổ chức giống như lễ cưới lần thứ nhất của hình thức cưới do bố mẹ đi hỏi và không cần tổ chức lễ cưới lần thứ hai nữa. Vợ chồng người Hà Nhì sống chung thủy, cùng có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ hai bên, nuôi dạy con cái và chăm lo gia đình. Ly hôn được xem vấn đề vô cùng hệ lụy, thuộc phạm trù đạo đức, ảnh hưởng xấu đến danh dự gia đình và uy tín dòng tộc.
Về tín ngưỡng, người Hà Nhì tin vào sự tồn tại linh hồn của con người. Mỗi người có 12 hồn. Thờ cúng tổ tiên được coi trọng, bàn thờ tổ tiên thường ở cạnh cột cái trong buồng, nhưng quan niệm và cách thức không giống nhau giữa các địa phương. Ngoài ra, người Hà Nhì cũng chú ý thờ cúng bố mẹ vợ. Nơi thờ bố mẹ thường được đặt ở nơi chiếc cột chống nóc đối diện với cột thờ cúng tổ tiên trong nhà. Khi trong nhà có giỗ, lễ vật giống nhau nhưng cúng bố mẹ chồng trước, bố mẹ vợ cúng sau. Ma bản được thờ cúng hàng năm vào dịp tháng 2 âm lịch, các ngày hổ, cừu hay dê của tháng, thời lượng là hai ngày cầu mong người và gia súc khỏe mạnh, sinh sôi nảy nở, mùa màng tốt tươi. Ngày đầu cúng gà ma (thần trông coi bản), thu tỉ (thần đất) ở một hòn đá, tượng trưng cho các vị thần canh một hốc cây cao phía trên bản. Ngày thứ hai làm cá tu tu, dựng cổng ở các ngả đường vào bản để ngăn ma rừng. Cổng gồm hai cột con cắm hai bên đường nối với nhau bằng một sợi dây bện rơm hay cỏ gianh, trên đó buộc các loại dao nhọn bằng gỗ. Ở thành cột buộc thêm súng gỗ, giáo tre hướng chĩa ra ngoài làng, dưới chân cột để sọt đất (tượng trưng cho thóc) và đá (tượng trưng cho ngô) để dâng cho ma rừng. Lễ hiến chó làm ngay tại đây trên con đường chính đi vào bản. Ở các ngả đường khác vào bản cũng làm cổng như trên và treo đuôi, chân chó hoặc cả bộ lông gà được lột da một cách cẩn thận. Sau lễ cúng cấm ba ngày không cho người lạ vào bản.
Sinh đẻ của phụ nữ, đặt tên cho trẻ là việc làm quan trọng với nhiều kiêng kỵ với ý thức mong cho sản phụ dễ đẻ và trẻ được sinh ra khỏe mạnh. Trong nhà có người đẻ, đồng bào đóng cọc trước nhà làm dấu hiệu báo cho dân làng biết. Qua cách đóng cọc, dân làng có thể biết đứa trẻ mới được sinh ra con trai hay con gái. Nếu cọc có úp nón lên trên, được cắm bên phải cửa ra vào thì đứa trẻ là con trai, nếu cắm ở bên trái cửa ra vào thì đứa trẻ là con gái. Cách đặt tên cho con không giống nhau giữa các nhóm. Nhóm Hà Nhì đen, không phân biệt trai, gái, con được đặt tên ngay hôm được sinh ra. Nhóm Cồ Chồ đặt tên con ngày hôm sau còn nhóm Hà Nhì La Mí sau ba hôm. Người được đặt tên cho trẻ mới sinh, trước đây quy định là em mẹ, bây giờ nhiệm vụ đó được chuyển cho bố mẹ hay các cô, các bác gái. Có nhiều cách đặt tên, nhưng phổ biến nhất là dùng tên con vật hoặc một sự kiện gì đó cộng với tên riêng. Tên con vật căn cứ vào ngày sinh theo cách tính lịch 12 con giáp, tên riêng có thể lấy bất cứ tên nào. Khi chưa đặt tên cho con, nếu người khách lạ vào nhà trước tiên, người đó sẽ đặt tên cho đứa trẻ và được coi là bố mẹ nuôi. Từ đó, trong suốt ba năm cứ đến ngày tết, bố mẹ phải bế con cùng lễ vật tới cúng tổ tiên bố mẹ nuôi, bố mẹ nuôi thường tặng cho con nuôi lợn hay gà. Theo lịch dân tộc Hà Nhì, sau một tuần (12 ngày), bố mẹ làm lễ cho con ra người trời, nếu con gái mẹ địu con đi lấy củi ở quanh bản (làm tượng trưng), nếu con trai, mẹ cầm dao đi phát nương và làm cái móc treo chài đánh cá để đứa trẻ ngay từ đầu đã quen với những công việc lao động sau này của mình.
Phong tục ma chay của người Hà Nhì ở các vùng không giống nhau, tuy nhiên qua nghiên cứu thấy có những điểm chung: Khi trong nhà có người chết, phải dỡ bỏ tấm liếp (hay rút một vài nan) của buồng người đó, phá bàn thờ đi (dấu hiệu báo trong nhà có tang); người chết được khâm liệm cẩn thận rồi đặt trên giường ở gian giữa (một số nơi ở bếp), đầu hướng về bàn thờ vừa phá đợi đến giờ tốt, ngày tốt mới đem đi chôn. Giờ tốt thường trùng với cái giờ lúc người chết tắt thở, bởi đồng bào quan niệm nếu không chôn vào giờ tốt, ngày tốt thì người chết sẽ tái sinh, đầu thai thành giống vật hung dữ quay trở về làm hại gia đình, làng bản. Người Hà Nhì không có nghĩa địa chung của bản, kiêng khi lấp đất rơi cỏ tươi xuống huyệt (theo quan niệm âm - dương tương khắc, cỏ tươi là sự sống, sự sống thì không "ở chung" với cái chết…), không rào dậu hay dựng nhà mồ, chỉ xếp đá quanh chân mộ. Sau khi chôn người chết 3 năm, gia đình người chết đó làm lễ tảo mộ. Trước buổi lễ, thân nhân của hai bên nội ngoại được thông báo ngày tốt sắp đến để chuẩn bị đồ cúng cần thiết như gà, nếp, trứng luộc, đồ giấy… Lễ tảo mộ không chỉ do một gia đình tổ chức mà là tất cả các gia đình trong bản, mọi người đóng góp đồ cúng, tham gia dọn dẹp, cải tạo mộ. Sau nghi thức cúng, lấy máu con gà cắt tiết tại cửa mộ, chủ mộ dựng một cây nêu có treo những chiếc thuyền và con vật bằng giấy, mọi người đều cầu nguyện. Cầu nguyện xong, đàn ông làm thịt lợn ở một góc rừng, đàn bà làm bánh giày và chuẩn bị đãi tiệc. Nghi thức chính mời người chết về dùng cỗ được tổ chức ngay tại cửa mộ. Khi tiến hành nghi thức, mọi người tham gia lạy tạ và rót rượu vào một cái tô lớn đặt trên mộ, sau đó những người thân lớn tuổi chia thức ăn vào lá chuối và đặt từng phần lên cửa mộ, họ đốt nhang và đồ giấy, nghi lễ kết thúc, mọi người trong bản cùng dùng tiệc gần rừng.
Dân tộc Hà Nhì có nền văn hóa, văn nghệ lâu đời, đậm đà bản sắc dân tộc, bao gồm nhiều loại bài hát, nhiều điệu dân vũ, nhiều kiểu nhạc cụ và nhiều tác phẩm văn học dân gian. Hát có hát ru con, hát đối đáp, hát mời rượu, hát đưa ma, hát chào khách, hát mừng nhà mới, đặc biệt là hát mừng đám cưới có độ dài hơn 400 câu của người Hà Nhì ở vùng cao huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Múa có các điệu múa lên nương, múa dệt vải, múa đợi mưa, múa vào mùa, múa trông trăng, múa giã bạn… Nhạc cụ có trống, thanh la, chập cheng, am ba, khèn lá, đàn môi, tiêu trúc, tiêu biểu là đàn nét đu - loại đàn 4 dây hòa âm, mang tên một loài hoa rừng màu tím. Kho tàng văn học phong phú với các câu truyện cổ tích, thần thoại, trường ca, truyện thơ, ca dao, thành ngư, tục ngữ…
Với tinh thần "Bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số" của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo ra luồng sinh khí mới, đem sức sống về tận các làng bản Hà Nhì ở những vùng hẻo lánh xa xôi, lễ hội của người Hà Nhì được chú ý khôi phục theo diện mạo lễ hội xưa, thể hiện những giá trị văn hóa tộc người. Nếu như lễ hội gia đình - ngày cưới, lễ tang, ngày giỗ chạp gợi lên cho mỗi thành viên trong gia đình, họ hàng lòng yêu gia đình, tưởng nhớ biết ơn ông bà, cha mẹ, dòng họ, đồng thời gắn bó các thế hệ gia đình với nhau, thì lễ hội làng bản, đất nước giáo dục, nhắc nhở các thế hệ ở mức cao hơn về lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, lòng tôn kính và biết ơn các bậc anh hùng hào kiệt đã có công dựng nước và giữ nước. Một số lễ hội tiêu biểu của người Hà Nhì đã đạt được ý nghĩa nhân văn cao cả. Trước hết, phải nhắc tới lễ ăn tết tháng 6 - lễ hội cầu mùa (ngày 24 tháng 6 âm lịch hàng năm) của người Hà Nhì. Ngày tết có tính chất vui chơi giải trí và cầu nguyện "Ngũ cốc được mùa". Trong thời gian ngày lễ, người của các thôn bản vào rừng chặt một cây gỗ chắc mà thẳng và một vài dây leo mang về để làm bàn đu trò vui chơi giải trí cho lễ hội. Lễ hội diễn ra khoảng từ 3 - 5 ngày, từ ngày Dần đầu tiên của tháng 6 bắt đầu, mỗi hộ góp một đến 3 bó cỏ tranh để lợp mái bàn đu, ngày Thìn tế ruộng, ngày Tỵ tổ chức mổ trâu dâng các vị thần. Trâu cúng được dắt ra và cột vào cột đu, khi thầy cúng làm xong nghi lễ cúng thần, các thanh niên khỏe mạnh lấy dây da buộc chặt bốn chân trâu, giật nó ngã ngửa ra, thầy cúng lấy một nắm cỏ gianh xoa và buộc vào mõm con vật này khỏi kêu. Người Hà Nhì quan niệm, nếu trâu mà kêu thì năm ấy sẽ mất mùa. Người được chọn chôn cột đu sẽ là người có nhiệm vụ chọc tiết trâu tế thần. Thanh niên trong bản tiến hành thịt trâu tại lều bàn đu, thịt trâu chia cho mỗi hộ một phần mang về thờ cúng tổ tiên. Phần lễ do hai thầy cúng chính và phụ đảm nhận trước các mâm cơm "hà chì" truyền thống và thường cúng trước chân cột đu, mọi người quỳ gối gửi gắm ước mơ của mình. Sau khi làm lễ cầu xin các thần phù hộ cho bản làng, lần lượt các gia đình quỳ lạy ba lần trước bàn thờ sau đó mâm cúng được hạ xuống, mọi người được mời ăn các lễ vật cúng tại lán tế thần. Đến phần hội, thầy cúng chính hoặc người già có uy tín trong bản là người khai mạc. Sau khi thờ cúng xong, người làm lễ khai mạc đẩy đu 3 vòng (ý là con người luôn mạnh khỏe, gia súc, gia cầm đầy chuồng, thóc đầy cao như núi), người đầu đẩy đu 3 lên (có nghĩa Trúc lâm xinh tươi), 3 xuống (có nghĩa năm tới được mùa, đuổi hết sâu bọ), sau đó mọi người tự do đu quay. Khi mọi người tham gia các trò chơi, thầy cúng cầm các hạt cơm, hạt đậu tung vào nơi mọi người đang vui chơi với ý nghĩa cầu mong vụ mùa tới bội thu. Mỗi năm ngày "tết tháng 6" đến, cả bản nhộn nhịp hẳn lên, ai cũng chọn bộ quần áo đẹp nhất để mặc, cùng nhau vui chơi quanh bàn đu quay chào đón ngày hội. Khi mặt trời ngả về hướng Tây, vang lên hàng loạt tiếng súng săn, trong nháy mắt mọi người tập trung tại bàn đu, đàn, sáo, súng săn được đem đến, tại đây diễn ra uống rượu, thanh niên nam nữ vây tròn vừa hát, vừa múa. Người nhảy múa đông dần, vòng tròn càng quây càng lớn, mấy bàn đu đều quay liên tục không ngừng, tiếng súng, tiếng vỗ tay, tiếng đàn, tiếng sáo lẫn với nhau, mọi người chìm đắm trong niềm hạnh phúc khôn tả.
Ngoài tết tháng 6, người Hà Nhì còn ăn tết "Có Nhẹ Chà", diễn ra trước tết Nguyên đán của người Kinh khoảng trên dưới hai tháng. Việc ăn tết vào những ngày nào không ấn định thành truyền thống như tết của người Kinh, mà do Hội đồng già làng, trưởng bản bàn bạc và thống nhất để áp dụng cho từng năm, dựa vào các yếu tố: thời tiết, mùa màng, khả năng kinh tế của từng gia đình… Sau khi thời điểm đã được xác định, buổi chiều tất niên mỗi gia đình mổ một con gà cúng tiễn biệt năm cũ. Đến giao thừa, khắp làng bản tiếng giã bột làm bánh dầy, bánh trôi vang động cả núi đồi, khoảng đầu canh ba, mọi nhà thi nhau mổ lợn (với quan niệm nhà nào mổ lợn xong sớm, chọc tiết lợn một lần là được ngay, thì sang năm sẽ phát tài, phát lộc). Trong mấy ngày tết, những người cao tuổi lập thành nhóm đi chúc tết với những lời chúc tốt đẹp nhất kèm theo những đồng tiền mới mừng tuổi gia chủ. Tết diễn ra trong một tuần, ngày cũng như đêm, khắp các bản tưng bừng, nhộn nhịp. Các bậc trưởng lão ngồi uống rượu, ôn lại những câu chuyện lai lịch dòng tộc từ 9 - 10 đời trước, kinh nghiệm mùa màng, những ước mơ tốt đẹp trong năm mới. Thanh niên với các bộ trang phục truyền thống hòa mình với những nhạc cụ rền vang, múa những điệu sơn vũ được các bậc cha ông truyền lại. Sau những trò chơi đố lá dang dở, sau những cuộc hát đối nửa chừng và cuối cùng là sau tết, nhiều đôi nam nữ tâm đầu ý hợp, mong ngày "buộc chỉ cổ tay" …
Nếu ai đó may mắn được tham dự lễ hội "Khô già già" sẽ hiểu sâu sắc nghi thức tín ngưỡng, các trò chơi dân gian nổi tiếng và biết thêm về tục trùm khăn. Trước khi đi hội "Khô già già", bao giờ các chàng trai chưa vợ cũng đem theo một chiếc chăn chiên mới, khi tới nơi họ giấu chăn kỹ lưỡng. Tại lễ hội, chàng trai tham gia hào hứng, chủ động trong các trò chơi. Qua ánh mắt của các cô gái, chàng trai sẽ tìm ra một cô có cảm tình đặc biệt với mình. Vào thời điểm thích hợp, chàng trai tách khỏi cuộc chơi chung, tiếp cận cô gái, ướm thử những lời tình tứ thăm dò thái độ của cô gái. Nếu thuận lợi, chàng trai tiến thêm một bước táo bạo hơn, nắm tay cô gái và lôi đi. Dĩ nhiên, cô gái sẽ chống lại cho "phải phép", tay có vẻ nhùng nhằng nhưng miệng thì cười quyến rũ và chân cứ bước theo chàng trai. Chàng trai lập tức lấy chăn đã giấu sẵn, trùm lên đầu cô gái, dẫn cô gái đến bìa rừng, bờ suối hoặc một nơi nào đó, hai người ngồi tâm sự. Qua tâm sự, nếu không thể tiến tới tình yêu được thì họ chia tay nhau và không bao giờ lặp lại chuyện trùm chăn nữa, nếu cả hai bên yêu nhau, đợi đến gần sáng chàng trai sẽ vác cô gái về dấu ở nhà mình. Vài ngày sau, nhà trai nhờ người sang nhà gái mối mai. Ngày nay, một số vùng người Hà Nhì vẫn duy trì tục trùm chăn.
Ngày nay, cùng với các dân tộc anh em, người Hà Nhì đang ra sức thi đua xây dựng quê hương giàu mạnh, bản làng no ấm, gia đình hạnh phúc, yên vui. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng bào yên tâm định cư, gia tăng sản xuất, bảo vệ nguồn rừng, xóa bỏ dần những thủ tục nặng nề lạc hậu. Trong xu thế hiện nay, đồng bào tích cực giao lưu, hòa nhập với các dân tộc khác, tiếp thu có chọn lọc những nét văn hóa tiến bộ, chú ý giữ gìn bản sắc dân tộc, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng./.
Nguồn tin: bienphongvietnam.vn